Chiều ngày 1/4, tại Hà Nội, NXB Phụ nữ tổ chức giới thiệu bộ “Sách cho trẻ tự kỷ” và giao lưu với GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, nguyên GĐ Bệnh viện Nhi T.Ư và hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu tế bào gốc và công nghệ gen Vinmec và các tác giả, dịch giả của bộ sách nuôi dạy trẻ tự kỷ.
Bộ sách gồm 5 cuốn, trong đó có 3 cuốn sách của các tác giả nước ngoài – những chuyên gia, huấn luyện viên có chứng chỉ quốc tế về can thiệp và chăm sóc trẻ tự kỷ – được dịch sang tiếng Việt và 2 cuốn sách viết bằng tiếng Việt của các tác giả Việt là những bác sĩ, chuyên gia tâm lý, chuyên gia can thiệp trị liệu đặc biệt… có nghiên cứu chuyên sâu và có nhiều kinh nghiệm điều trị và can thiệp cho trẻ tự kỷ.
GS.TS Nguyễn Thanh Liêm (bên phải) giao lưu với khách mời trong chương trình ra mắt sách
Những năm gần đây tỉ lệ trẻ em Việt Nam có rối loạn phổ tự kỷ được phát hiện ngày càng tăng. Mặc dù đa số trẻ có thể hòa nhập và có một cuộc sống tương đối bình thường nếu được phát hiện và can thiệp sớm, nhưng ở nước ta rất nhiều trẻ còn được can thiệp muộn hoặc thậm chí không được can thiệp, đặc biệt là trẻ em ở các vùng nông thôn, miền núi.
Đội ngũ cán bộ được đào tạo chuyên về lĩnh vực giáo dục can thiệp cho trẻ có rối loạn phổ tự kỷ còn rất ít. Các cơ sở giáo dục chuyên biệt hầu như chỉ có ở các thành phố. Bố, mẹ và gia đình đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giáo dục can thiệp cho trẻ nhưng đa số các phụ huynh rất lúng túng vì thiếu kiến thức.
Tài liệu hướng dẫn can thiệp giáo dục cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ ở Việt Nam, đặc biệt là những tài liệu hướng dẫn theo kiểu “cầm tay chỉ việc” không nhiều.
Bộ sách nuôi dạy trẻ tự kỷ
Trăn trở trước thực trạng đó, giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thanh Liêm (cùng các cộng sự nhóm từ thiện Nhịp Cầu Yêu Thương) và NXB Phụ nữ đã chung tay xuất bản một bộ sách nhằm cung cấp cho các bậc cha mẹ, ông bà và người chăm sóc trẻ những kiến thức và kỹ năng cơ bản nhất, thực tế nhất, dễ áp dụng nhất để có thể hướng dẫn, giáo dục can thiệp trẻ có rối loạn phổ tự kỷ tại nhà.
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Liêm, tự kỷ là vấn đề toàn cầu. Ở nước ta ước tính có khoảng 1 triệu trẻ tự kỉ thì có đến 2 triệu người bố và người mẹ bị ảnh hưởng trực tiếp và theo đó, có khoảng 8 triệu ông, bà có cháu bị tự kỷ cảm thấy lo lắng. Làm thế nào giúp phụ huynh can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ?
GS.TS Nguyễn Thanh Liêm trò chuyện trong buổi ra mắt sách.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Liêm cho rằng, bố, mẹ và gia đình đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giáo dục can thiệp cho trẻ nhưng đa số phụ huynh rất lúng túng và thiếu kiến thức. Cuốn sách được biên soạn nhằm cung cấp cho bố, mẹ, ông bà trẻ tự kỷ những kiến thức cơ bản nhất, thực tế nhất, dễ áp dụng nhất để có thể hướng dẫn, giáo dục, can thiệp trẻ tại nhà.
Hãy hiểu đúng, cảm thông, chia sẻ, tạo điều kiện cho người tự kỷ hòa nhập, phát triển. Hàng nghìn đứa trẻ mắc hội chứng tự kỷ cần được quan tâm, yêu thương, tiếp cận và giáo dục đúng cách để các bé có thể trưởng thành, hòa nhập cộng đồng và có thể biến giấc mơ sống độc lập trong tương lai gần trở thành hiện thực….
Khi nuôi một đứa con tự kỷ, mỗi người cha người mẹ sẽ phải là một người bạn, một chuyên gia thực sự để chạm được vào thế giới đặc biệt của trẻ tự kỷ. Bởi đối với trẻ bình thường hiểu con đã khó, với những đứa trẻ tự kỷ thì càng khó khăn gấp bội. Hội chứng tự kỷ ở Việt Nam và trên thế giới vẫn chưa tìm ra cách chữa nhưng nếu được phát hiện và can thiệp sớm sẽ đem lại kết quả khả quan.
Hi vọng bộ “Sách cho trẻ tự kỷ” sẽ là cẩm nang bổ ích cho nhiều gia đình, nhất là các gia đình ở vùng nông thôn ít có điều kiện tiếp xúc với internet, những vùng chưa có các trung tâm giáo dục chuyên biệt cho trẻ có rối loạn phổ tự kỷ. Bộ sách cũng là tài liệu hữu ích cho các cán bộ mới bắt đầu bước vào lĩnh vực can thiệp cho trẻ có rối loạn phổ tự kỷ.
Theo Giaducthoidai.vn/Lê Đăng